Banner left

Danh trà truyền thống của người Việt xưa

Danh trà truyền thống của người Việt xưa

Trải qua hàng ngàn năm người Việt đã tạo ra hàng chục loại danh trà đi cùng năm tháng thăng trầm của đất nước. Nhiều danh trà ngon đặc sắc đã tạo lên huyền thoại trong lòng người Việt.

 

Danh trà truyền thống của người Việt xưa

Danh trà truyền thống của người Việt xưa

Danh trà thất truyền

1. Trà Tước Thiệt: Dấu ấn loại danh trà thất truyền đầu tiên phải kể đến hiệu trà Tước thiệt (mỏ sẻ). Đây là loại trà búp, sau chế biến khô quăn thanh nhỏ như lưỡi chim sẻ. Trà Tước Thiệt là loại danh trà xưa của Đại Việt rất thơm ngon từng được biết đến và ghi nhận trong cuốn Anam Vũ Cống của Nguyễn Trãi: “Tước Thiệt trà cánh nhỏ mà cong như lưỡi con chim sẻ là một trong vài loại trà nổi danh kim cổ”. Hay trong tác phẩm của Dương Văn An cuốn Ô châu cận lục có vài dòng ghi rõ về danh trà này: “Trà ở huyện Kim Trà nay là Hương Trà Huế tên gọi lưỡi sẽ (tước thiệt) trồng tại những đồi núi An Cưu, giải thoát, trừ phiến, chữa thủy đứng đầu trăm loại thảo dược, tính linh diệu”.

2. Trà Hồng Mai: Trà Hồng Mai được Nguyễn Trãi nhắc đến ở bài Ngôn Chí trong Ức Trai thi tập:

… Cõi tục chè thường pha nước tuyết

Tìm thanh trong vắt tịn chè mai

Trà Hồng Mai là loại trà được chọn chế biến từ những gốc mai già, cắt khúc chẻ răm nhỏ pha nước sôi có sắc hồng nhạt đem sao, vị thanh đậm, ngọt hậu rất đặc biệt. Thường dân gian còn gọi với cái tên là “lão mai trà”. Đây là một loại thiền trà phổ biến ở các chùa miền Bắc. Trong thơ Thúy Kiều thi hào Nguyễn Du đã dùng chén trà thiền để giúp nàng Kiều bình tĩnh lại, bỗng chốc tỉnh táo và trở nên cao thượng bỏ qua cho họ Thúc:

Thiền trà cạn nước Hồng Mai

Thong dong nối góc thư trai cùng về.

3. Trà Mạn Hảo: Loại danh trà thất truyền. Cũng mới đây thôi, danh trà Mạn Hảo còn được ví như là một trong ba món quốc túy của đấng nam nhi Việt Nam thế kỷ 19-20.

“Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống trà Mạn Hảo ngâm nôm Thúy Kiều

Trà Mạn Hảo là một danh trà quý và đắt tiền của tầng lớp quý tộc trong xã hội Việt Nam đương thời. Sau này dân gian gọi chung là chè Mạn vừa có ý nghĩa là chè Mạn Hảo vừa mang ý nghĩa là chè mạn ngược vùng Tây Bắc Việt Nam. Chè Mạn ngược là loại chè rừng, thân thuộc vùng Hà Giang-Lai Châu-Yên Bái được đóng thành những bánh gói giấy đỏ giữa có đóng nhãn đề năm sản xuất. Trà thường được chọn những búp non, lá trà bánh tẻ rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi đóng bánh, phơi khô, họ cho trà vào chum, trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ 3 – 4 năm cho trà phong hóa bớt chất cát hết mùi ngái, có độ xốp mới đem ra dùng.

4. Trà Trinh nữ: Trà Trinh nữ còn gọi là trà Tố nữ rất thịnh hành ở vương triều Lê-Trịnh và đạt tới thời điểm cực thịnh của Trà Việt.

5. Ngự trà Cam Khổ:  Ở vùng Kim Sơn, Vạn Hội, Lạc Phụng núi Chúa thuộc huyện Hoài Ân, Bình Định có hai loại trà mọc hoang dã trên đồi gò, ven chân núi, rất quý hiếm, cho đến nay không dễ ai thuần hóa đem về trồng trong vườn nhà được. Một loại là trà Cam, và trà Khổ. Trong sách Nước non Bình Định của Quách Tấn có ghi lại rằng: “Ngày xưa, Cam Khổ là loại trà quý, là vật dụng tiến của các chúa Nguyễn. Người ta dùng cả hai loại trà Cam và Khổ để tiến vua”.

Tên trà Cam Khổ là cả một câu chuyện. Có hai cách lý giải: người thì bảo là do vị trà ngòn ngọt đăng đắng mà thành danh, lại có người bảo rằng do nghề phu trà chịu nhiều khổ ai mà ghi dấu thành tên.

Trà Cam lá thường nhỏ, thoảng vị đường phèn thanh ngọt, nên mới gọi là cam (ngọt), đây chính là chè Vằng ở Định Sơn, Cam Lộ – Quảng Trị.

Trà Khổ lá to, xanh, dày và cứng, đọt non nhân nhẩm đắng, hãm nước uống vị rất đắng. Bởi thế nó mới có tên là Khổ (đắng). Người xưa thường dùng rễ trà Cam để hồi sức cho phụ nữ sau khi “khai hoa nở nhụy” và dùng trà Khổ để chống say, tỉnh rượu. Trà Cam Khổ được cổ nhân chế biến theo công thức 2 ngọt 1 đắng mà thành. Trà Cam Khổ còn phản ánh hàm ý nghĩa về sự quý hiếm, phải vất vả gian khổ, phải “nếm mật nằm gai” băng rừng, vượt núi mới kiếm được thứ trà này.

Các Tin Khác :
Hotline: (+84)986 986 298